CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN VÀ CNVCLĐ HÀ GIANG HƯỞNG ỨNG “THÁNG CÔNG NHÂN” VÀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2024”! CHÀO MỪNG 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG ! (1/5/1886 - 1/5/2024)!
Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đang tích lũy tài sản gì?
Bất động sản
Tài sản cố định
Tiền gửi ngân hàng
Tiền mặt
Vàng

Thông tin chung

Gửi Email In trang Lưu
Lịch sử giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Giang

16/07/2019 08:06

Cùng chung với sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn của cả nước. Quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Giang gắn liền với các thời kỳ lịch sử đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất tự hào, vẻ vang của nhân dân các dân tộc Hà Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã cùng với cả nước trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như trong công cuộc đổi mới và thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công và ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đến ngày 06/01/1946, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã hăng hái đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời Ủy ban hành chính tỉnh cũng chính thức được nhân dân bầu ra qua phổ thông đầu phiếu. Hệ thống tổ chức chính quyền mới ở Hà Giang bước đầu được xác lập. Tháng 2 năm 1946, Đảng bộ tỉnh tiến hành củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể quần chúng. Hội Công nhân cứu quốc của tỉnh được thành lập, đồng chí Vũ Mạnh Phưởng là công nhân kỹ thuật điện được Tỉnh ủy chỉ định làm Hội trưởng. Sự kiện này đánh dấu sự hình thành tổ chức Công đoàn sơ khai đầu tiên của Hà Giang. Sau đó cơ sở của hội được phát triển rộng rãi trong các cơ quan dân chính…
Ngày 20/6/1946, Hội nghị công nhân cứu quốc cả nước đã họp và đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn và quyết định tên gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ở Hà Giang, do điều kiện, hoàn cảnh một tỉnh miền núi đang còn nhiều khó khăn, hơn nữa số lượng công nhân, viên chức thời kỳ này còn ít nên tỉnh chưa thành lập Liên hiệp Công đoàn mà vẫn duy trì tổ chức Hội Công nhân cứu quốc để hoạt động.
 Ngày 20/4/1950, Ban vận động thành lập Công đoàn Viên chức Hà Giang ra đời trên cơ sở phát triển của tổ chức Hội Công nhân cứu quốc. Đồng chí Nguyễn Văn Bảng làm Trưởng ban, đồng chí Trần Long làm Phó ban. Quá trình vận động đến Tháng 1/1951, Tỉnh bộ Việt Minh ra quyết định thành lập Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hà Giang, Ban chấp hành Công đoàn lâm thời gồm 07 đồng chí, do đồng chí Trần Long giữ chức Thư ký.
Ngay sau khi thành lập, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã tiến hành ổn định về công tác tổ chức, thành lập các Công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên mới. Đến cuối năm 1951 toàn tỉnh đã thành lập được 12 Công đoàn cơ sở (trong đó: 10 Công đoàn công chức và 2 Công đoàn xí nghiệp). Tổng số công nhân toàn tỉnh đến lúc này có 916 công nhân, viên chức, trong đó có 713 đoàn viên công đoàn. Ở Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã có 2 cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn.
Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn tỉnh Hà Giang đã trải qua 16 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội đều tổng kết đánh giá kết quả hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng. Đồng thời, mỗi kỳ Đại hội cũng là sự kiện chính trị rất quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển không ngừng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Giang.
1. Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ I (Từ ngày 02/7 - 5/7/1957): Tham dự có 43 đại biểu đại diện gần 1.000 đoàn viên công đoàn toàn tỉnh. Đại hội đã bầu ra 9 đồng chí (Có 2 dự khuyết) vào Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh, 03 đồng chí vào Ban thường vụ, đồng chí Trần Long được bầu làm Thư ký. Trong nhiệm kỳ này, Liên hiệp Công đoàn rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hoá của đoàn viên đồng thời tuyên truyền kết nạp đoàn viên mới gia nhập tổ chức công đoàn. Năm 1957 có 316 người đi học các lớp bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 6; tuyên truyền kết nạp được 367 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên công đoàn lên được 1.065 người trong tổng số 1.441 cán bộ, CNVC.
2. Đại hội Công đoàn Hà Giang lần thứ II (phần 1) được tổ chức từ ngày 14/12 đến 17/12/1959: Tham dự có 55 đại biểu đại diện cho 1.500 đoàn viên công đoàn. Đại hội kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ do đại hội I đề ra, bàn phương hướng nhiệm vụ khoá tới. Đại hội đã bầu 15 đồng chí (có 2 đồng chí dự khuyết) vào Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh, bầu 5 đồng chí vào Ban thường vụ, đồng chí Trần Long được bầu lại làm Thư Ký, đồng chí Hà Mậu Hoà làm phó Thư Ký.
*Đại hội Công đoàn Hà Giang lần thứ II (phần 2) được tổ chức từ ngày 16/01 đến ngày 19/01/1961: Tham dự có 127 đại biểu đại diện cho 6.349 đoàn viên công đoàn. So với Đại hội lần thứ I (1957), số cán bộ, công nhân, viên chức năm 1961 tăng 8 lần, đoàn viên công đoàn tăng 6 lần.
3. Đại hội Công đoàn Hà Giang lần thứ III được tổ chức từ ngày 13/3 đến ngày 15/3/1964: Đại hội đã bầu ra 15 đồng chí vào Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh, 05 đồng chí vào Ban thường vụ, đồng chí Trần Việt Thắng dược bầu làm Thư ký. Đại hội kêu gọi toàn thể giai cấp công nhân Hà Giang ra sức thi đua yêu nước, phấn đấu trở thành tổ, đội lao động XHCN; tăng năng suất lao động trên cơ sở hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật.
4. Đại hội Công đoàn Hà Giang lần thứ IV được tổ chức từ ngày 27/6 đến 28/6/1966 tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên: Tham dự có gần 200 đại biểu thay mặt cho 12.000 cán bộ, công nhân, viên chức đã về dự. Đại hội đã bầu 19 đồng chí vào Ban chấp hành, 05 đồng chí vào Ban thường vụ. Đồng chí Trần Việt Thắng được bầu lại làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh, các đồng chí Ngô Tú, Linh Ngọc Quang - Phó Thư ký.
Đầu năm 1967, Tỉnh uỷ điều động đồng chí Trần Việt Thắng - Thư ký và 4 cán bộ Liên hiệp Công đoàn tỉnh đi nhận công tác mới, đồng chí Ngô Tú - Phó Thư ký được cử giữ chức Quyền Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh.
5. Đại hội Công đoàn Hà Giang lần thứ V (vòng 1) tổ chức từ ngày 2/4 đến ngày 3/4/1972: Tham dự có trên 200 đại biểu đại diện cho 15.137 đoàn viên công đoàn. Đại hội đã thảo luận bổ sung báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới của Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn khu tự trị Việt Bắc. Đại hội đã bầu được 5 Đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên.
- Đại hội đại biểu Công đoàn Hà Giang lần thứ V (vòng 2) được tổ chức trọng thể tại thị xã Hà Giang từ ngày 11/7 đến ngày 14/7/1973: Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá mọi mặt phong trào CNVC và công đoàn từ năm 1966 đến năm 1973, bàn biện pháp thực hiện phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới. Đại hội bầu 15 đồng chí vào Ban chấp hành Công đoàn tỉnh, 5 đồng chí vào Ban thường vụ, đồng chí Nông Văn Bút được bầu làm Thư Ký, đồng chí Ngô Tú được bầu lại làm Phó Thư ký.
- Tháng 11/1975, đồng chí Ngô Tú - Phó Thư ký cùng 6 đồng chí tăng cường cho Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng kết nghĩa theo quyết định điều động của Tồng Công đoàn Việt Nam.
Đến cuối năm 1975, toàn tỉnh có 17.326 cán bộ, CNVC (nữ 6.196 người), trong đó: Trung ương quản lý 2.995 người ở 17 đơn vị, địa phương quản lý 14,231 người; có 7 Công đoàn ngành, 137 Công đoàn cơ sở, 199 Công đoàn bộ phận, 1.595 Tổ công đoàn với 14.666 đoàn viên công đoàn. Trong số 90 cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan Liên hiệp Công đoàn có 40 đồng chí hình thành đồng bộ các ban giúp thường trực chỉ đạo phong trào và các mặt công tác công đoàn được kịp thời và hiệu quả.

- Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, ngày 01/4/1976 trở thành ngày lịch sử, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang chính thức hợp nhất lại thành tỉnh Hà Tuyên.
- Cùng với chủ trương trên, Tổng Công đoàn Việt Nam ra Nghị quyết số 138 về việc hợp nhất Công đoàn 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hà Tuyên, theo đó Ban chấp hành hợp nhất gồm 31 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Chính được cử giữ chức Thư ký Liên hiệp Công đoàn, các đồng chí: Nông Văn Bút, Lê Thị Duyên được cử giữ chức Phó Thư ký.
6. Đại hội đại biểu Công đoàn Hà Tuyên lần thứ I được khai mạc tại hội trường Tỉnh uỷ, thị xã Hà Giang từ ngày 19/7 đến ngày 23/7/1977: Tham dự có 260 đại diện cho 252 Công đoàn cơ sở và Công đoàn ngành nghề với 52.583 công nhân, viên chức. Đại hội đã bầu 33 đồng chí vào Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn khoá I, đồng chí Nguyễn Hữu Chính được bầu làm Thư ký, đồng chí Nông Văn Bút - Phó Thư ký, Ban thường vụ gồm 9 đồng chí.
7. Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Hà Tuyên lần thứ II được tổ chức từ ngày 25/12 đến ngày 27/12/1980: Tham dự Đại hội có 252 đại biểu thay mặt cho 51.522 đoàn viên, 4.659 tổ, 295 Công đoàn cơ sở, 9 Công đoàn ngành và 15 công đoàn huyện, thị. Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 39 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Chính được bầu lại làm Thư Ký, đồng chí Hoàng Đức Cường - Phó Thư ký.
8. Đại hội đại biểu Công đoàn Hà Tuyên lần thứ III được tổ chức từ ngày 25/7/1983 đến ngày 30/7/1983: Về dự Đại hội lần này có 278/300 đại biểu. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Công đoàn tỉnh khoá III gồm 43 đồng chí, Ban thường vụ 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Chính làm Thư Ký; đồng chí Hoàng Đức Cường làm Phó Thư Ký.
9. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Tuyên lần thứ IV được tổ chức từ ngày 08/9 đến ngày 11/9/1988: Đại hội đánh giá kết quả hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ III trong đó đã kiểm điểm đánh giá những đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động công đoàn từ sau Đại hội VI của Đảng, trên cơ sở đó để ra phương hướng nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ 1988 - 1993. Đại hội đã bầu ra 29 đồng chí vào Ban chấp hành và bầu Ban thường vụ gồm 9 đồng chí; đồng chí Bùi Ngọc Quế được bầu làm Thư ký; đồng chí Nông Văn Pinh được bầu làm Phó Thư ký Liên hiệp công đoàn tỉnh. Đây là Đại hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới, phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp đến mức căng thẳng và có nhiều thay đổi về công tác tổ chức cán bộ ở cơ quan Liên hiệp Công đoàn tỉnh.
- Từ tại Đại hội VI Công đoàn Việt Nam (năm 1988) đã quyết định các Liên hiệp Công đoàn địa phương được gọi là Liên đoàn Lao động, chức danh Thư ký, phó Thư ký được gọi là Chủ tịch, Phó chủ tịch Công đoàn (từ cấp công đoàn cơ sở trở lên).


Sau 16 năm hợp nhất (1976 – 1991), đến ngày 01/10/1991 theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh là: Hà Giang và Tuyên Quang. Ngay sau khi có quyết định tách tỉnh, Ban thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Quyết định số 550/QĐ-TLĐ tách Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tuyên thành 2 Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang và Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang. Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Hà Giang lúc này gồm 11 đồng chí, trong đó Ủy viên Ban Thường vụ có 4 đồng chí; Ủy ban Kiểm tra 2 đồng chí, Đồng chí Nông Văn Pinh là Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang.
10. Ngày 16/12/1991, Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Hà Giang đã họp và bầu bổ sung thêm 10 đồng chí vào Ban chấp hành, trong đó bổ sung thêm 3 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Trần Doãn Phệ được bầu làm Phó Chủ tịch. Sau khi củng cố, kiện toàn được coi như Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Hà Giang khóa X (nhiệm kỳ 1991 - 1993).
- Hệ thống tổ chức Công đoàn tỉnh Hà Giang khi chia tách có 10 LĐLĐ huyện, thị, 2 Công đoàn ngành có cán bộ chuyên trách là giáo dục và nông lâm nghiệp và 48 Công đoàn cơ sở trực thuộc, tổng số cán bộ đoàn viên khoảng 10.500 người.
- Đến năm 1993, về cơ bản hệ thống Công đoàn tỉnh được kiện toàn, củng cố gồm: cơ quan LĐLĐ tỉnh với 6 Ban nghiệp vụ; 02 LĐLĐ huyện, thị (Bắc Quang và thị xã Hà Giang); 8 Công đoàn cơ sở Dân chính đảng huyện; 04 Công đoàn ngành (gồm: Giáo dục, Y tế, Nông Lâm nghiệp, Giao thông Vận tải); 42 Công đoàn cơ sở  trực thuộc tỉnh (chủ yếu là các Công đoàn cơ sở cơ quan cấp tỉnh), đưa tổng số Công đoàn cơ sở toàn tỉnh lên 184 với gần 14.000 cán bộ đoàn viên, có 39 cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh.
11. Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XI từ ngày 10/5 đến ngày 12/5/1993 tại Hội trường Tỉnh uỷ: Đại hội XI công đoàn tỉnh đã xác định mục tiêu của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 1993 - 1998 là “Vận động tổ chức phong trào hành động cách mạng của CNVC,LĐ trên mọi lĩnh vực sản xuất, công tác và học tập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, tổ chức chăm lo đời sống mọi mặt, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân lao động lớn mạnh đi đôi với đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh nhiệm kỳ 1993 - 1998 gồm 29 đồng chí; 09 đồng chí được bầu vào Ban thường vụ; đồng chí Nông Văn Pinh được bầu lại làm Chủ tịch; các đồng chí: Nông Quốc Chài; Bùi Thị Nhung là Phó Chủ tịch. Đại hội bầu UBKT LĐLĐ tỉnh gồm 5 đồng chí.
Thời kỳ 1993 - 1998 đánh dấu một bước phát triển tương đối mạnh mẽ của đội ngũ CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Hà Giang:
- Năm 1993 có 13.776 CNVCLĐ, đến năm 1997 tăng lên là 20.605 CNVCLĐ.
- Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập lại 8 LĐLĐ huyện, thành lập mới Công đoàn ngành Viên chức tỉnh, kiện toàn bộ máy cơ quan LĐLĐ tỉnh với 7 Ban nghiệp vụ, 01 trạm trung chuyển.
- Năm 1995, thành lập được 3 CĐCS ngoài quốc doanh đầu tiên của tỉnh; Năm 1996 thành lạp thêm được 11 CĐCS ngoài quốc doanh của tỉnh; Năm 1997 thành lập mới được 3 CĐCS ngoài quốc doanh của tỉnh, đưa tổng số CĐCS ngoài quốc doanh lên 17 cơ sở với trên 400 doàn viên trong tổng số 1.830 CNLĐ.
- Năm 1997 toàn tỉnh có 10 LĐLĐ huyện, thị; 06 Công đoàn ngành với 259 Công đoàn cơ sở (trong đó có 10 CĐCS do Trung ương quản lý) với tổng số đoàn viên công đoàn là 18.157 người.
12. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XII (nhiệm kỳ 1998 – 2003) được tổ chức từ ngày 12/5 đến ngày 14/5/1998 tại hội trường Tỉnh uỷ: Tham gia Đại hội có 202 đại biểu trên tổng số 205 đại biểu được triệu tập. Đồng chí Vũ Ngọc Kỳ -  UV BCH TW Đảng khoá VIII, Bí thư tỉnh uỷ và các đồng chí Vũ Kim Quỳnh, Đỗ Đức Ngọ thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã đến dự và phát biểu tại Đại hội.
Với mục tiêu: “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giữ vững vai trò nòng cốt liên minh công nông - trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng cho CNVC-LĐ, thúc đẩy xoá đói giảm nghèo cho người lao động”. Đại hội đã thống nhất đề ra 10 nhiệm vụ cho các cấp Công đoàn trong tỉnh trong thời kỳ 1998 - 2003.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 35 đồng chí và Ban thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nông Văn Pinh được bầu lại làm Chủ tịch; các đồng chí: Nông Quốc Chài, Lê Thị Bích Hằng, Phạm Văn Nhần được bầu làm Phó Chủ tịch.
13. Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2003 - 2008) được tổ chức từ ngày 14/8 đến ngày 15/8/2003 tại hội trường UBND tỉnh: Tham gia Đại hội có 232/234 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của trên 32.000 CNVCLĐ.
Đại hội đã thông qua báo báo tổng kết hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 1998 - 2003, mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2003 – 2008; Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra công đoàn nhiệm kỳ 1998 – 2003; Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh khoá XII; Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia văn kiện Đại hội IX Công đoàn Việt Nam.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành gồm 35 đồng chí, bầu 11 đồng chí vào Ban thường vụ. Đồng chí Ấu Xuân Chiểu được bầu làm Chủ tịch, các đồng chí: Lê Thị Bích Hằng, Phạm Văn Nhần, Nông Quốc Chài được bầu lại làm Phó chủ tịch.
14. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2008 - 2013) được tổ chức từ ngày 20/5 đến ngày 21/5/2008 tại Hội trường Tỉnh Uỷ: Tham dự Đại hội có 229/234 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyên vọng của trên 36.000 CNVCLĐ.
Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động: “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích người lao động, vì sự  phát triển bền vững của  tỉnh Hà Giang”.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh khoá XIV gồm 35 đồng chí, bầu Ban thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Ấu Xuân Chiểu được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch, các đồng chí: Lê Thị Bích Hằng, Phạm Văn Nhần, Nông Quốc Chài được bầu lại làm Phó Chủ tịch.
+ Tháng 05/2009, Đ/c Lê Thị Bích Hằng chuyển công tác giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang.
+ Tháng 12/2009, Đ/c Nguyễn Văn Chung - Ủy viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Đến Tháng 6/2012, Đ/c Nguyễn Văn Chung chuyển công tác giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Giang và Bí thư Huyện ủy Bắc Mê.
15. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XV (nhiệm kỳ 2013 – 2018) được tổ chức từ ngày 25/3/2013 đến ngày 26/3/2013 tại hội trường Tỉnh ủy Hà Giang: Dự đại hội có 234/236 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của trên 48.500 đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ trong toàn tỉnh.
Đại hội XV Công đoàn tỉnh đã quyết định những vấn đề quan trọng cho  nhiệm kỳ 2013-2018, như sau:
*Mục tiêu, phương hướng tổng quát: “Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; hướng các hoạt động về cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ CNVC LĐ vững mạnh; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vì Hà Giang phát triển”.
Đại hội đã bầu 35 đồng chí vào Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2013 – 2018); bầu ra Ban thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Lò Thị Mỷ - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí: Trần Văn Minh, Phạm Thế Hải được bầu làm Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.

 

16. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 – 2023: Đại hội được tổ chức trọng thể tại hội trường Tỉnh ủy Hà Giang trong 2 ngày, từ ngày 18/6/2018 đến ngày 19/6/2018. Dự đại hội có 235 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của trên 49 nghìn đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Với chủ đề: “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; vì đoàn viên, người lao động; vì Hà Giang phát triển”. Đại hội Công đoàn tỉnh Hà Giang lần thứ XVI đã quyết định những vấn đề quan trọng cho  nhiệm kỳ 2018-2023, như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, hướng mạnh về cơ sở; lấy chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động là mục tiêu hoạt động; góp phần nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Hà Giang.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu

*Nhóm chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức Công đoàn

(1) Phấn đấu trên 95% doanh nghiệp có từ 15 công nhân lao động trở lên thành lập được công đoàn cơ sở; kết nạp ít nhất 1.000 công nhân lao động vào tổ chức công đoàn; 100% chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở và 85% trở lên ủy viên ban chấp hành được tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn.

(2) Phấn đấu hàng năm có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được xếp loại tốt; 85% trở lên công đoàn cơ sở trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và 50% trở lên công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vững mạnh.

(3) Hàng năm 100% công đoàn cơ sở có quần chúng, phối hợp để bồi dưỡng, giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú trở lên, cho Đảng xem xét kết nạp.

(4) Phấn đấu có 80% trở lên công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thành lập Ban nữ công quần chúng theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hàng năm có 90% trở lên Ban nữ công quần chúng được đánh giá, xếp loại khá trở lên.

(5) Phấn đấu thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn khu vực hành chính sự nghiệp đạt 100%, khu vực doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên, theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

(6) Hàng năm có 85% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra đồng cấp về công tác tài chính công đoàn; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức kiểm tra ít nhất 25% công đoàn cơ sở về công tác tài chính, 25% về chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

*Nhóm chỉ tiêu công đoàn tham gia, phối hợp thực hiện             

(1) Phấn đấu hàng năm 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; 65% trở lên doanh nghiệp có công đoàn tổ chức được hội nghị người lao động và tổ chức đối thoại tại cơ sở.

(2) Phấn đấu có 75% trở lên công đoàn cơ sở doanh nghiệp thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, trong đó có ít nhất 25% thỏa ước lao động tập thể đạt loại A. Có 80% trở lên công nhân lao động đủ điều kiện được đóng bảo hiểm xã hội.

(3) Hàng năm 100% đoàn viên, người lao động khu vực hành chính, sự nghiệp, 75% trở lên đoàn viên, người lao động khu vực doanh nghiệp nơi có tổ chức công đoàn được học tập, cung cấp thông tin, phổ biến về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn.

(4) Phấn đấu100% công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, giám đốc các doanh nghiệp tổ chức phát động và duy trì có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

(5) Phấn đấu có 75% trở lên số đoàn viên, người lao động nơi có tổ chức công đoàn được tuyên truyền, vận động tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

(6) Phấn đấu có 90% trở lên cơ quan, đơn vị và 50% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt chuẩn văn hóa.

3. Xây dựng các chương trình trọng tâm

(1) Chương trình nâng cao vai trò chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp.

(2) Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp.

(3) Chương trình đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp.

4. Đại hội đã quyết định số lượng Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang khóa XVI, nhiệm kỳ 2018 – 2023 gồm 33 đồng chí và đã bầu tại Đại hội là 32 đồng chí, 01 đồng chí sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ. Ngay trong thời gian diễn ra Đại hội, Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVI đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất và bầu ra Ban thường vụ gồm 10 đồng chí; bầu đồng chí Nguyễn Văn Chung - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; bầu đồng chí Trần Văn Minh tái cử làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; bầu Ủy ban Kiểm tra gồm 07 đồng chí và bầu ra Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (khóa XV).

Đến ngày 03/01/2019, tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiện toàn và bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Thị Như Huệ - Ủy viên Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh (nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và bầu giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2018 – 2023.  


Lịch sử phong trào CNVCLĐ và Công đoàn Hà Giang gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và là một bộ phận trong lịch sử phong trào CNVCLĐ và Công đoàn Việt Nam. Với điều kiện của một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, địa đầu của Tổ quốc, đầy khó khăn, gian khổ nhưng giàu truyền thống cách mạng. Đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Hà Giang đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách và luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam, luôn xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước, luôn đi đầu trong các cuộc vận động cách mạng ở địa phương, đóng góp to lớn cho công cuộc đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang trong những năm qua./.


 

Lê Hùng Mạnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh

Tin khác

Giới thiệu chung về tổ chức Công đoàn Việt Nam (10/07/2019 08:29)

Phóng sự ảnh

Video clips