CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN VÀ CNVCLĐ HÀ GIANG HƯỞNG ỨNG “THÁNG CÔNG NHÂN” VÀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2024”! CHÀO MỪNG 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG ! (1/5/1886 - 1/5/2024)!
Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024

Thăm dò ý kiến

Bạn đang tích lũy tài sản gì?
Bất động sản
Tài sản cố định
Tiền gửi ngân hàng
Tiền mặt
Vàng

CÁC THÔNG TIN VỀ CHÍNH TRỊ-KINH TẾ-XÃ HỘI CÓ LIÊN QUAN

Gửi Email In trang Lưu
Sẽ thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng

21/04/2015 08:38

BHG- “Sẽ thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở và cấp phòng thuộc huyện”, đây là thông điệp quan trọng, được thể hiện rõ trong kết luận hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 31 của Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh.

Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo - một bước đi đầy táo bạo, thể hiện sự đột phá trong công tác cán bộ, qua đó chọn được những người thực sự hội tụ đủ đức và tài, đảm nhiệm các cương vị quản lý cơ quan hành chính Nhà nước. Việc bổ nhiệm theo hình thức thi tuyển được xác định rất công bằng, văn minh, tạo cơ hội cho nhiều người thể hiện tài năng, trí tuệ ở từng lĩnh vực cụ thể, từng bước thay thế những quan niệm truyền thống về công tác cán bộ vốn ăn sâu, bám dễ trong cơ quan Nhà nước nhiều năm qua. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dạy “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, tỉnh ta luôn quan tâm, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển của tỉnh. Các nghiên cứu về nguồn lực đã xác định, tỉnh ta có nguồn cung lao động lớn với trên 415 nghìn người năm 2015, con số này sẽ tăng lên 516 nghìn người năm 2020. Tuy nhiên, phải thừa nhận chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, phần lớn lao động chưa qua đào tạo, ít tích tụ hàm lượng chất xám nên năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp...

Quyết tâm tháo gỡ vấn đề này, dù trong điều kiện “con nhà nghèo”, phần lớn phải dựa vào trợ cấp của T.Ư, nhưng tỉnh ta vẫn cố gắng dành nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho giáo dục với hy vọng tạo được nguồn nhân lực mới, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Mục tiêu đặt ra, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% năm 2011 lên 45% năm 2015 và 60% vào năm 2020. Trong đó, lao động qua đào tạo các nhóm ngành tăng tương ứng như: Nông - lâm - thuỷ sản tăng từ 22,5% lên 34,43% và 48,39%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 50,81% lên 53,33% và 71,74%; dịch vụ từ 70,79% lên 73,52% và đạt 80,45% vào năm 2020. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2015 đào tạo hơn 15 nghìn lao động cho các ngành kinh tế, giai đoạn 2016-2020 mỗi năm đào tạo 20 nghìn người.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đã được ban hành, đi vào cuộc sống, tạo niềm tin, động lực để cán bộ các cơ quan Nhà nước tích cực tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước. Nhìn lại quãng thời gian từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh về trước, cán bộ cơ quan hành chính, trình độ đại học, trung cấp và cả sơ cấp vẫn chiếm đa số. Nhưng nay, con số cán bộ có trình độ sau đại học, cao cấp chính trị, cao cấp quản lý Nhà nước... đang dần chiếm ưu thế, đã thực sự tạo ra “luồng gió mới” với phương pháp luận, tư duy khoa học, giải quyết công việc liên quan một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả và chính xác hơn.

Ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tỉnh ta còn ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi về thu nhập; điều kiện sinh sống, làm việc; cấp đất, nhà ở, bố trí phương tiện đi lại; bổ nhiệm vào vị trí phù hợp với năng lực chuyên môn; giao nhiệm vụ quan trọng để cán bộ phát huy khả năng, sức sáng tạo trong lao động, sản xuất... nhằm thu hút các chuyên gia, nhà quản lý giỏi vào tỉnh làm việc. Hơn nữa, tỉnh đã chú trọng mở rộng, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức T.Ư, tạo điều kiện về chương trình dạy học mới, nâng cao trình độ giáo viên, nguồn vốn; trao đổi, hợp tác với các địa phương lân cận, liên kết đào tạo, tuyển dụng nhân lực.

Sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trên từng lĩnh vực công tác. Một trong những điển hình nhất là cán bộ các cơ quan đã ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) và cải cách hành chính trong giải quyết công việc. Báo cáo đánh giá năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tỉnh ta đứng thứ 35/63 địa phương trong cả nước về hạ tầng kỹ thuật CNTT, đứng vị trí 22 về hạ tầng nhân lực, thứ 31 về xếp hạng sản xuất kinh doanh, xếp hạng theo tiêu chí thành phần Website/porta đứng thứ 26 thuộc nhóm khá; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin xếp thứ 8/63, thuộc nhóm tốt; về cung cấp dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 59, đứng thứ 27 về công tác ứng dụng CNTT. Đặc biệt, chỉ số xếp hạng xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT được đánh giá cao nhất, đứng vị trí đầu bảng trong số 63 tỉnh, thành phố. Nếu như, năm 2011 chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố thì đến nay đã vươn lên vị trí 15/63, CNTT được triển khai rộng khắp trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các chiến lược đào tạo bài bản, đã và đang tạo ra đội ngũ cán bộ làm việc trong cơ quan Nhà nước vừa hồng, vừa chuyên, hiệu quả giải quyết công việc từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một số cán bộ vẫn nằm trong nhóm 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Và chưa thấy hiện tượng sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ dựa vào 5C - con cháu các cụ cả và 3T - thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ sau đó mới đến trí tuệ như dân gian thường nói, nhưng việc bố trí theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, người vào cơ quan trước, có tuổi bổ nhiệm trước, người vào sau, còn trẻ, dù giỏi đến máy cũng phải xếp hàng... vẫn diễn ra đâu đó trong cơ quan Nhà nước. Cũng vì điều này nên đâu đó vẫn xảy ra tình trạng công tác cải cách các thủ tục hành chính còn chậm, tinh thần trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, của đảng viên, cán bộ trong giải quyết công việc còn hạn chế - nhận định của Bí thư Tỉnh ủy.

Việc thi tuyển cán bộ vào các vị trí lãnh đạo tuy mới nhưng ở một số cơ quan T.Ư như Bộ GT-VT, cấp địa phương thì có Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng... đã thực hiện và lựa chọn được những người giỏi, trẻ tuổi vào các vị trí quan trọng, qua thời gian đảm nhiệm trọng trách mới, họ đã chứng minh được năng lực. Và chủ trương sẽ thí điểm thi tuyển cán bộ cấp phòng thuộc sở và huyện của tỉnh là bước đi khởi đầu, nhưng hoàn toàn có tính khả thi. Hy vọng, đây sẽ là một cuộc “thay máu” nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ có trình độ, có tâm, dốc sức cho quá trình phát triển của tỉnh.

THIÊN THANH

Theo Báo Hà Giang điện tử

Tin khác

Làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chăm lo tốt hơn cho người lao động (11/03/2015 16:31)

Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3.2 (04/02/2015 10:35)

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức Trung ương làm việc tại Hà Giang (02/02/2015 01:03)

Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XVI thành công tốt đẹp (02/02/2015 01:02)

Đoàn công tác kiểm tra cải cách hành chính của UBND tỉnh làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (26/02/2014 10:07)

Phóng sự ảnh

Video clips